Xử trí nôn trớ ở trẻ nhỏ

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Nôn trớ khá phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh do lúc này đường tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Vì vậy, khi thấy bé nhà bạn bị nôn trớ thì cũng đừng quá lo lắng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dịch nôn trớ có thể vào đường hô hấp, khiến bé bị ngạt nếu không xử trí kịp thời. Những lúc như vậy, các mẹ hãy thật bình tĩnh, làm theo hướng dẫn dưới đây và mọi chuyện sẽ ổn thôi.

1. Nguyên nhân

Nôn trớ đơn thuần thường liên quan đến việc ăn uống:

– Trẻ bị ép ăn quá nhiều, bú quá no, nằm liền sau khi bú. Ở trẻ sơ sinh dạ dày nằm ngang, các cơ còn yếu, đặc biệt là cơ tâm vị đóng không chặt.

– Trẻ bắt đầu ăn bổ sung với thức ăn mới lạ, ăn nhiều quá 1 loại thức ăn nào đó.

– Đối với những trẻ bú bình, lỗ trên núm vú quá nhỏ khiến trẻ phải dùng nhiều lực để hút hay bé ngậm núm vú không đúng nên bú cả không khí vào dạ dày.

2. Cách xử trí

– Ngay khi trẻ nôn trớ, mẹ phải nghiêng đầu trẻ sang một bên để trẻ không bị sặc chất nôn, rồi nhanh chóng làm sạch chất nôn trong miệng, họng và mũi trẻ (miệng trước, mũi sau), bằng cách hút hoặc quấn khăn gạc vào ngón tay thấm hết chất nôn trong mồm và họng trẻ.

– Tuyệt đối tránh bế xốc trẻ lên khi đang nôn trớ vì sẽ làm tăng nguy cơ trào dịch ói vào phổi.

– Nếu trẻ bị trớ khi ngủ, đặt trẻ nằm yên, cần kê cao đầu, đồng thời luôn để thân mình phía trên cao hơn phía dưới để tránh hiện tượng trào ngược. Nếu trẻ bị ọc sữa nhiều, nên cho nằm nghiêng sang một bên để không bị hít chất nôn vào phổi, không nên cho trẻ uống sữa ngay sau khi nôn ói. Lau mặt miệng cho trẻ, thay áo, súc miệng để tránh mùi khó chịu do chất nôn gây ra.

– Khi bé nôn trớ, cơ thể bé sẽ mất một số lượng chất lỏng nhất định. Vì thế, điều quan trọng là phải bổ sung lại lượng chất lỏng đã mất này để cơ thể bé không bị mất nước. Khi bé ngừng nôn trớ, hãy cho uống một lượng nhỏ nước lọc hoặc nước điện giải sau mỗi 30 phút đến 1 tiếng. Nếu trẻ tiếp tục nôn thì cần cho uống luân phiên 50ml nước oserol/ 50ml nước đường sau mỗi 30 phút.

– Nếu trẻ trên 2 tuổi, mẹ có thể pha nước gừng ấm và cho trẻ uống từng chút một. Gừng có tác dụng tốt cho dạ dày, đường ruột và giảm triệu chứng buồn nôn.

– Sau khoảng 12 tiếng, khi bé không còn nôn trớ, mẹ có thể cho bé ăn uống như bình thường. Hãy bắt đầu với các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, Có thể cho trẻ ăn cháo loãng, uống sữa, ăn sữa chua và tuyệt đối tránh đồ uống lạnh.

– Cho bé đi ngủ, tránh đùa nghịch để hạn chế thức ăn trào ngược ra ngoài. Giúp trẻ ngủ sẽ làm cho bé nhanh hồi phục hơn, vì dạ dày trống trong suốt thời gian này sẽ giúp bé dễ chịu hơn.

– Không cho bé dùng bất kỳ loại thuốc chống nôn nào khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.

Trường hợp đặc biệt:

– Trường hợp trẻ nôn trớ kéo dài hoặc nôn do bệnh lý mà trẻ có biểu hiện các triệu chứng như: sốt, đau bụng, lơ mơ, co giật, hay nôn ói liên tục, có dấu hiệu mất nước như: miệng khô, ít nước mắt, tiểu ít,… thì cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chữa trị kịp thời.

– Trường hợp trẻ bị sặc , đừng cố lấy tay móc thức ăn hay chất nôn ra, nên làm nghiệm pháp Heimlich: ở trẻ lớn, đứng sau lưng trẻ, quàng 2 tay ra ôm lấy bụng trẻ và ấn mạnh vào, áp lực mạnh sẽ làm trẻ nôn ói ra dị vật đường thở. Ở trẻ nhỏ hơn thì nên để nằm sấp trên đùi chúng ta và vỗ mạnh vào lưng trẻ. Dị vật , chất nôn sẽ được tống ra.

Sau khi tống chất nôn ói ra được nếu bé còn mệt thì nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

3. Cách phòng

– Hướng dẫn bà mẹ tư thế bú đúng, cách ngậm bắt vú đúng.

– Cho trẻ bú từ từ, đủ cữ, không ép trẻ ăn quá no.

– Nếu trẻ ăn hỗn hợp hướng dẫn bà mẹ cách cho trẻ bú bình, cách pha sữa.

– Khi trẻ đã ăn no, hướng dẫn cách bế, cách vỗ ợ hơi, cách đặt trẻ. Không bế xốc trẻ, đùa với trẻ khi trẻ vừa ăn no.

– Hướng dẫn bà mẹ cách massage quanh rốn nhẹ nhàng làm giảm co bóp dạ dày hạn chế nôn trớ, cách massage bụng mạnh và sâu theo đường đi của khung đại tràng giúp tăng nhu động ruột, tăng tiết dịch, giúp trẻ bài tiết phân đều đặn hàng ngày, làm giảm chướng bụng và nôn trớ.

– Sau khi đã điều chỉnh mà nôn trớ không cải thiện và còn kèm theo các dấu hiệu bất thường: sốt, quấy khóc liên tục, lơ mơ, co giật, nôn liên tục, chất nôn bất thường có máu hay dịch mật (xanh, vàng)… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

Sưu tầm