Vệ sinh mũi họng đúng cách cho trẻ

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Thời tiết mùa đông lạnh và khô cộng thêm môi trường nhiều khói bụi khiến bé rất dễ mắc các bệnh hô hấp. Để phòng ngừa cũng như giảm nhẹ các tình trạng bệnh, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý là cần thiết. Việc làm tưởng đơn giản nhưng để làm đúng và không gây khó chịu cho bé không dễ. Cùng nghe các chuyên gia hướng dẫn nhé!

 

1. Cách vệ sinh mũi họng

– Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có gỉ mũi thì nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm gỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để gỉ mũi mềm và bong ra.

– Cách rửa mũi cho trẻ:

+ Cha mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng trên bàn hoặc giường. Để đầu thấp, mông cao đặt 1 tay lên đầu trẻ và giữ nhẹ để tránh việc trẻ giãy giụa, có thể gây tổn thương trong quá trình rửa mũi. Lót khăn xô dày dưới cổ và đầu trẻ để nước rửa chảy ra thấm vào đó.

+ Đặt miệng lọ nước muối đầu tròn vào lỗ mũi phía trên của trẻ, bóp nhanh nhưng không quá mạnh để nước muối đi vào trong và từ từ chảy ra ở lỗ mũi bên kia. Dịch mũi và rỉ mũi có thể bị cuốn theo nước muối chảy ra lỗ mũi phía bên kia.

+ Sau đó, cha mẹ dùng khăn mềm nhẹ nhàng lau sạch mũi, miệng trẻ, trấn an con vài phút trước khi quay bé nằm nghiêng sang phía ngược lại để rửa tiếp lỗ mũi bên kia của bé.

– Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.

– Cách hút mũi đúng cách cho trẻ:

+ Đầu tiên, bạn nhỏ hoặc xịt nước muối sinh lý vào mũi trẻ để làm ẩm và lỏng hoá các chất nhầy trong mũi trẻ trước khi hút chúng ra.

+ Cho bé nằm trên gối cao hoặc để bé nằm nghiêng, sau đó dùng chai nhỏ hoặc dùng bình xịt xịt trực tiếp dung dịch vào mũi trẻ rồi bắt đầu hút chất nhầy. Một tay cầm dụng cụ hút mũi, một tay giữ đầu trẻ để tránh trẻ ngọ nguậy trong quá trình hút.

+ Nhẹ nhàng đặt đầu dụng cụ vào lỗ mũi của trẻ, từ từ dùng tay bóp bình khí, đẩy không khí vào lỗ mũi trẻ.

+ Dần dần cho không khí trở lại bình khí, kéo chất nhầy ra khỏi mũi và đi vào dụng cụ.

+ Bóp chất nhầy vừa hút được ra khỏi dụng cụ, dùng giấy lau sạch đầu hút rồi tiếp tục với bên mũi còn lại.

+ Sau khi thao tác xong, bạn giữ trẻ nằm nguyên tư thế trong khoảng 10 giây. Nước muối sẽ cuốn nước mũi, đờm, nhớt trong mũi xuống họng và dễ gây phản ứng nôn hoặc ói cho trẻ. Trong một vài lần đầu, bạn nên cho trẻ nôn ra phần dịch nhớt, sau nhiều lần hút mũi, trẻ sẽ dần có phản xả và không bị nôn, ói nữa.

+ Cuối cùng, bạn dùng tăm bông hoặc giấy ăn sạch, mềm rồi xoắn lại, nhẹ nhàng đưa vào lỗ mũi và lau khô mũi cho trẻ.

Lưu ý:

– Bạn nên hút mũi cho trẻ trước giờ ăn.

– Lặp lại thao tác nếu chất nhày trong mũi trẻ quá dày. Sau mỗi lần sử dụng, bạn cần rửa sạch dụng cụ. Không nên hút mũi cho trẻ quá 3 lần một ngày.

– Trước khi nhỏ mũi cho trẻ, bạn cần làm ấm nước muối sinh lý bằng cách ngâm trong nước ấm, có thể thử bằng cách nhỏ nước muối lên mu bàn tay để kiểm tra.

2. Phòng bệnh viêm mũi họng cấp

– Giữ ấm cơ thể, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân khi thời tiết lạnh.

– Vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

– Bỏ thói quen cho tay lên miệng, ngoáy mũi, điều này cũng khiến trẻ dễ bị viêm mũi họng , vì vậy cũng nên giúp trẻ tránh thói quen xấu này.

– Đảm bảo môi trường sống tránh khói bụi, ẩm mốc, chật chội.

– Tránh cho trẻ tiếp xúc với nguồn lây kể cả người lớn hoặc trẻ em bị bệnh.

3. Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có một trong các biểu hiện sau:

– Sốt cao liên tục dùng thuốc và chườm ấm không hạ sốt

– Trẻ ho nhiều, thở nhanh, khó thở

– Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày

– Chảy mủ tai

– Không tốt lên sau hai ngày điều trị

Sưu tầm