Trẻ bị táo bón – Làm gì cho con

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Táo bón là bệnh đường tiêu hóa dễ gặp phải ở trẻ nhỏ. Táo bón ở trẻ có thể dẫn đến bé hấp thu kém, chán ăn, cơ thể thiếu dưỡng chất, suy dinh dưỡng. Hơn nữa, táo bón khiến trẻ khó chịu, quấy khóc ảnh hưởng xấu đến hoạt động tinh thần của bé. Hôm nay, chúng tôi xin được chia sẻ với bạn một số mẹo hay giúp phòng và điều trị táo bón cho bé.

1. Nguyên nhân gây táo bón

– Nguyên nhân bệnh lý: ruột già quá to, hẹp hậu môn, rối loạn vận động ruột do bất thường thần kinh, bệnh nội tiết chuyển hóa, bệnh thần kinh, cơ… Đối với nhóm nguyên nhân này, cần phải điều trị bệnh tận gốc.

– Nguyên nhân chức năng: rất thường gặp. Các nguyên nhân có thể là: chế độ ăn không cân bằng, thiếu chất xơ, vừa đổi chế độ ăn (sữa mẹ chuyển sang sữa bò, thức ăn mềm sang thức ăn cứng), uống không đủ nước, trẻ nhịn đi đại tiện,…

3 thời điểm trẻ dễ bị táo bón:

– Giai đoạn tập ăn dặm: bé đang từ bú mẹ hoặc bú bình chuyển sang ăn đặc có thể bị táo bón do ăn không đủ chất xơ và uống không đủ nước.

– Tập ngồi bô hay bồn cầu: bé có nguy cơ bị táo bón trong giai đoạn này vì nhiều nguyên nhân

+ Chế độ ăn vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sữa nên dể bị thiếu chất xơ.

+ Nếu bé không thích hoặc không sẵn sàng để ngồi vào “chỗ mới”, chúng có thể cố gắng nín nhịn, điều này có thể dẫn đến táo bón.

– Giai đoạn đi học: một số bé miễn cưỡng phải dùng nhà vệ sinh tại trường vì chúng không quen hoặc quá “công cộng”, điều này có thể dẫn đến việc nín đi tiêu.

2. Dấu hiệu nhận biết

– Trẻ nhỏ hơn 12 tháng: Trẻ bị táo bón thường đi cầu có phân trông cứng và giống như các viên bi tròn nhỏ (còn gọi là phân dê). Trẻ có thể khóc khi cố gắng rặn hay đi cầu ít lần hơn trước đó. Cần lưu ý ở lứa tuổi này, các cơ thành bụng còn yếu nên bé thường rặn khi đi cầu, làm cho mặt bé đỏ lên. Do đó nếu bé đi phân mềm sau vài phút rặn thì không phải bị táo bón.

– Trẻ nhỏ có thể uốn cong lưng, khép chặt mông và khóc.

– Trẻ mới biết đi sẽ lắc lư tới lui trong khi gồng chân và mông, uốn cong lưng, nhón gót, vặn vẹo, bồn chồn, có thể ngồi chồm hổm, hoặc có tư thế bất thường.

– Trẻ lớn hơn: Nếu trẻ đi cầu ít lần hơn bình thường hoặc than đau khi đi cầu, có thể trẻ đang bị táo bón. Ví dụ: bình thường bé đi cầu 1-2 lần mỗi ngày, nếu đến 2 ngày mà trẻ vẫn chưa đi thì có thể trẻ bị táo bón.

3. Cách khắc phục chứng táo bón

Thay đổi chế dộ dinh dưỡng

+ Cho trẻ uống nhiều nước: trẻ dưới 6 tháng bú mẹ hoàn toàn không cần uống nước nhưng nếu bé bị táo bón thì vẫn cho uống 100 – 200ml nước/ngày. Với trẻ bắt đầu ăn dặm từ 6 – 12 tháng uống 200 – 300ml nước/ngày. Trẻ 1 – 3 tuổi uống 500 – 600ml nước/ngày. Trẻ 3 – 5 tuổi uống 1000ml nước/ngày. Trẻ lớn hơn 10 tuổi uống bằng người lớn: 1500 – 2000ml nước/ngày.

+ Với trẻ đã ăn dặm nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín: Chọn các loại rau quả có tính chất nhuận tràng: rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Nên tập cho trẻ thói quen ăn nhiều rau, quả chín từ nhỏ. Với trẻ lớn không nên cho bé ăn các loại hoa quả có vị chát như ổi, hồng xiêm, ăn nhiều bánh kẹo ngọt, uống nước có gas, cà phê…

+ Nếu trẻ đang bú mẹ mà mẹ cũng bị táo bón thì cần điều trị táo bón cho mẹ bằng cách: mẹ cần uống nhiều nước khoảng 2,5 – 3lít nước một ngày. Ngoài ra mẹ nên ăn nhiều rau xanh và quả chín có tính chất nhận tràng như trên, có thể ăn thêm sữa chua hàng ngày.

+ Với trẻ bú ngoài: Nếu trẻ có bú sữa ngoài cần chọn cho trẻ loại sữa có bổ sung thêm chất xơ.

+ Cho trẻ uống nước trái cây

Nước trái cây: có thể cho trẻ uống một số loại nước trái cây nguyên chất có tác dụng điều trị táo bón như mận, táo, lê. Những loại nước trái cây khác không có hiệu quả bằng các loại trên.

  • Trẻ từ 6-8 tháng tuổi: có thể cho uống nước trái cây từ 60 -120ml/ngày.
  • Trẻ từ 8-12 tháng tuổi: uống nước trái cây tối đa 180ml/ngày.
  • Trẻ từ 1-6 tuổi: không cho uống quá 180ml/ngày.
  • Trẻ > 7 tuổi có thể uống tối đa 1- 2 ly 120ml/ngày.

+ Sử dụng men vi sinh

Đó là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột có nhiệm vụ biến đổi chất xơ thực phẩm, thức ăn chưa tiêu hoá hết ở ruột non thành các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Các vi khuẩn có ích có khả năng lấn áp, đè bẹp và tiêu diệt rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, giúp cho hệ miễn dịch tại đường ruột tăng cường hoạt động.

Xoa bóp giúp nhuận tràng

Cho trẻ nằm ngửa trên giường, người thao tác dùng phần gốc bàn tay phải của mình áp sát vào phần cơ bụng trẻ, từ bụng trên bên phải xoa sang bụng trên bên trái rồi xuống đến bụng dưới bên phải, cứ xoa xoay day đẩy như vậy. Sau lại tiến hành xoa xoay day đẩy theo chiều tuần tự ngược trở lại.

Động tác xoa không nên làm nặng tay quá, mỗi lần xoa trong 10 phút, mỗi ngày xoa 2-3 lần, cho đến khi nào trẻ thông đại tiện được, cũng nên tiếp tục xoa như thế trong vòng 1 đến 2 tuần nữa để củng cố hiệu quả chữa trị.

Day xoa bụng như thế sẽ thúc đẩy tuần hoàn ở vùng dạ dày và vùng bụng, tăng nhu động ruột, không những có thể làm thông thoát đại tiện mà còn làm tăng khả năng thèm ăn, kích thích ăn ngon miệng ở trẻ.

Một số mẹo giúp bé đi ngoài dễ dàng

  • Mật ong
    Áp dụng: trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi
    Mật ong: tính nóng, khi bôi hậu môn sẽ giúp kích thích co cơ vòng hậu môn, giúp bé đẩy phân dễ dàng. Mẹ có thể lấy một tăm bông mềm hoặc cọng mồng tơi quết mật ong ở 1 đầu rồi ngoáy hậu môn bé sâu khoảng 1 cm, bôi cả bên ngoài.
  • Rau mồng tơi:
    Áp dụng: trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi.
    Lấy cọng mồng tơi đủ cứng, kích thước phù hợp với trẻ, rửa sạch, tước vỏ 1 đầu, ngoáy hậu môn bé 3-4 lần.
  • Ngâm nước ấm:
    Áp dụng: Trẻ sơ sinh từ 1 tháng tuổi
    Lúc trẻ mới bị táo bón, mẹ có thể ngâm mông bé vào nước ấm 5-10 phút, ngày 2-3 lần.
  • Vừng đen
    Áp dụng: Trẻ ăn dặm từ 6 tháng tuổi.
    Mẹ có thể lấy vừng đen, rang thơm, nghiền nhuyễn, trộn vào cháo/bột cho trẻ ăn.
  • Nước cam, sữa chua
    Áp dụng: Trẻ ăn dặm từ 8 tháng
    Vắt cho bé 60ml nước cam, 2 tiếng sau, cho trẻ ăn một nửa hộp sữa chua.

4. Phòng bệnh táo bón cho trẻ

– Tập cho trẻ có thói quen đi đại tiện đúng giờ. Có thể hằng ngày vào một giờ nhất định cho trẻ ngồi vào bô đại tiện, những ngày đầu chưa quen, trẻ không đại tiện được cũng không sao, cứ kiên trì, đúng giờ cho trẻ ngồi vào bô như vậy (khoảng 10-15 phút), nói chung khoảng vài tuần sau là có thể tạo thành thói quen phản xạ đi ngoài.

– Tăng cường rau xanh trong bữa ăn của trẻ như rau cần, rau hẹ… kết hợp hoa quả như cam, bưởi, uống nước đun sôi để ấm.

– Tích cực cho trẻ hoạt động ngoài trời như chạy nhảy, nô đùa.

– Phải chữa trị ngay những bệnh là nguyên nhân dẫn đến táo bón của trẻ, không nên để kéo dài.

Sưu tầm