Những điều mẹ cần biết khi cho con ăn dặm

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Trẻ sau khi được 6 tháng, mẹ nên cho bé ăn dặm để con tập dần với thức ăn đặc, cũng như nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng từ nguồn thức ăn phong phú từ bên ngoài. Đây là giai đoạn phát triển thiết yếu và thú vị đối với bé và cũng là giai đoạn khiến mẹ phải vất vả và kỹ tính hơn để cho con những bữa ăn dặm đảm bảo dinh dưỡng và phát triển toàn diện.

 

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bắt đầu muốn ăn dặm

Khi các mẹ thấy bé yêu của mình đói nhanh hơn bình thường hoặc vẫn đòi ăn thêm ngay sau khi cho bé uống sữa, thức dậy vào ban đêm, có thể giữ đầu thẳng khi ngồi, đầu xoay dễ dàng để từ chối thức ăn nếu không thích, bé đã có động tác nuốt thuần thục, có phối hợp tay mắt miệng nhuần nhuyễn: bé có thể cầm món đồ mình thích và đưa lên miệng… thì đây là những dấu hiệu cho thấy bé đã sẵn sàng bước sang giai đoạn ăn dặm rồi.

2. Thời gian bắt đầu cho trẻ ăn dặm

Lịch ăn dặm khoa học dành cho bé có thể được tính như sau:

  • Bé từ 4 – 6 tháng tuổi nên ăn 2 bữa mỗi ngày, mỗi bữa 2-4 muỗng cà phê thức ăn.
  • Bé từ 7 – 12 tháng tuổi nên ăn 3 bữa mỗi ngày, mỗi bữa thức ăn nhiều bằng nắm tay của bé.

3. Một số lưu ý khi nấu đồ ăn dặm cho trẻ:

– Nước hầm xương không phải là nguồn cung cấp tốt canxi cho phát triển xương của bé. Nên lựa chọn những thực phẩm giàu canxi khác như sữa, phô mai, cá, tôm…

Hạn chế dùng nước hầm xương nấu cháo cho bé dưới 1 tuổi vì nguy cơ nhiễm độc kim loại chì, đặc biệt với nước hầm xương gà. Kim loại chì ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa, chậm phát triển trí não, bệnh tự kỉ và trầm cảm ở trẻ em.

– Không nên nấu cà rốt chung với củ cải trắng

Cà rốt chứa enzym phân giải vitamin C trong củ cải trắng. Vậy nên, mẹ nhớ tránh nấu chung 2 loại rau củ này cho bé ăn dặm nhé.

– Không thêm bất kì đường, muối, bột nêm hoặc nước mắm (thậm chí nước mắm trẻ em) vào thức ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi. Theo Viện Nhi khoa của Mỹ và Hiệp Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh: Điều này giúp bé không bị rối loại vị giác, dẫn đến thiên về 1 vị hoặc biếng ăn kéo dài. Hơn nữa hướng dẫn này cũng muốn bảo vệ khả năng lọc của thận bé vốn còn rất non nớt.

– Trong hướng dẫn về ăn dặm cho bé dưới 1 tuổi, Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng Anh Quốc có viết về thứ tự tinh bột cho các bé Châu Á: gạo nên là dạng tinh bột đơn đầu tiên phù hợp với các bé Châu Á, khi đã quen dần với gạo, có thể ăn yến mạch. Yến mạch cũng giống như bún, mì nên ăn như 1 vài bữa thay cháo trong tuần, 2 bữa/tuần, không nên thay thế cháo hoàn toàn (Theo Nutrition source center 2013).

– Cho bé ăn thức ăn từ lỏng đến đặc dần.

– Sữa vẫn là nguồn cung cấp dưỡng chất chủ yếu cho bé trong những tháng đầu ăn dặm. Vì vậy, bạn nên cho bé bú đủ lượng sữa vào những tháng đầu, sau đó mới giảm dần.

4. Những sai lầm thường gặp khi nấu bột/cháo

– Quá ưu tiên đạm: Nhiều mẹ nấu bột/ cháo chỉ tập trung cho thật nhiều thịt, cá, trứng,… và nghĩ như thế mới đủ chất. Tuy nhiên, lượng đạm quá nhiều không những làm bé rối loạn tiêu hóa mà còn dễ dẫn đến chứng biếng ăn ở trẻ.

– Chỉ cho ăn nước, không ăn cái: Vì nghĩ như thế cũng đủ chất hoặc sợ trẻ bị hóc vẫn có mẹ chỉ ninh xương, nghiền rau, xay thịt lọc lấy nước, bỏ cái để nấu bột cho con. Đáng tiếc là các chất dinh dưỡng, vitamin phần lớn lại nằm trong phần xác thực phẩm.

– Không cho hoặc cho rất ít dầu: Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ không nên ăn dầu mỡ sớm vì không quá cần thiết lại có thể khiến bé có nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, thực tế, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo. Trong khi đó, chất béo là nguồn sinh năng lượng quan trọng, giúp cho sự phát triển sớm về trí tuệ và thể lực của trẻ. Đây cũng là thành phần giúp cơ thể hấp thu và sử dụng tốt các vitamin A, D, E, K tan trong dầu.

– Nghiền nhuyễn mọi thức ăn: Khi trẻ 6 tháng hay dù đã 12 tháng, 18 tháng, nhiều phụ huynh vẫn trộn lẫn và nghiền nhuyễn mọi thức ăn khiến bé không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng, từ đó không cảm nhận được mùi vị thức ăn, dẫn đến kén ăn và biếng ăn.

Sưu tầm