Mẹo dân gian trị tiêu chảy cho bé

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Bé nhà bạn đã từng bị tiêu chảy chưa? Tiêu chảy rất dễ mắc phải ở trẻ, vì vậy, nếu con bạn chưa bị thì mẹ cũng đọc bài viết dưới đây để “note” lại những mẹo hay phòng thân cho bé nhà mình nhé.

 

1. Nguyên nhân gây tiêu chảy

– Nhiễm trùng đường ruột: Trẻ có thể bị nhiễm trùng đường ruột do virus, ký sinh trùng hoặc vi khuẩn. Virus gây tiêu chảy ở một số trẻ có thể tự khỏi và không cần điều trị. Những trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn có thể được chữa bằng kháng sinh.

– Dị ứng thực phẩm: Trẻ có thể bị dị ứng với protein có trong sữa công thức, hoặc dị ứng với thức ăn, đặc biệt là thức ăn đóng hộp, khi mẹ bắt đầu tập cho bé ăn dặm.

– Khả năng dung nạp thức ăn kém: Một số trẻ có vấn đề về đường tiêu hóa khi dung nạp một số loại thức ăn. Dưỡng chất có trong các loại thức ăn này không đi được vào máu mà nằm lại trong ruột, dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu chất, dạ dày khó tiêu hóa, gây nên đau bụng, tiêu chảy.

– Rối loạn tiêu hóa bình thường: Tiêu chảy thường được xem như hiện tượng rối loạn tiêu hóa bất thường ở trẻ, nhưng thực chất, không phải lúc nào cũng như vậy. Một số trẻ có thể bị tiêu chảy do hệ thống tiêu hóa của trẻ, bao gồm cả đường ruột, lúc này vẫn còn non nớt và nhạy cảm với những thay đổi. Dù chỉ là thay đổi nhỏ từ sữa mẹ chuyển sang sữa công thức cũng có thể làm trẻ bị tiêu chảy. Hay khi lần đầu tiên ăn dặm, bé cũng có thể bị hiện tượng này.

2. Dấu hiệu nhận biết

– Đi ngoài phân lỏng hơn bình thường.

– Đi ngoài trên 3 lần/ngày.

3. Các mẹo trị tiêu chảy cho bé

– Búp ổi

Các bạn có thể lấy vài búp ổi, sắc lên lấy nước cho bé uống, đổ 1 ít vào cái chén cho bé uống, lượng nước ít thôi để bé khỏi bị sặc.

Nước búp ổi này rất chát, nhưng bé có thể uống được dễ dàng mà không bị nôn ra như uống thuốc. Mẹ hãy cho bé uống rải rác trong ngày khoảng 3 hôm, bệnh tiêu chảy cũng sẽ đỡ hơn.

– Lá lộc vừng

Cây lộc vừng có nhiều tác dụng trong chữa bệnh mà ít người biết đến. Rễ lộc vừng được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, hạt chữa đau mắt và lá chữa tiêu chảy. Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ có thể lấy lá lộc vừng rửa sạch, phơi khô rồi nấu nước cho trẻ uống trong ngày.

– Gạo và cà rốt rang

Khi bé bị tiêu chảy liên tục mẹ có thể lấy một nhúm gạo và cà rốt thái nhỏ rang lên rồi nấu nước thêm chút muối vào cho bé uống cũng có tác dụng cầm rất nhanh.

– Chuối tiêu xanh

Khi trẻ bị tiêu chảy, các bạn lấy chuối tiêu xanh gọt mỏng lớp vỏ xanh bên ngoài, để lại lớp vỏ xanh bên trong (hoặc tước vỏ cũng được), xay nhuyễn trộn với cháo rồi nấu chín cho bé ăn trong khoảng 3 ngày.

– Cà rốt

Ngoài tác dụng cung cấp nhiều vitamin, cà rốt còn có khả năng chữa và phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ nhỏ.

Lấy một củ cà rốt cắt miếng rồi cho vào máy xay sinh tố xay nhỏ thành nước, đun sôi nước cốt đó lên và cho trẻ uống hoặc có thể dùng nước đó nấu cháo.

Ngoài ra nếu được uống mỗi ngày một củ quả cà rốt cũng sẽ giúp bé bạn đề kháng tốt hơn với bệnh tiêu chảy.

4. Lưu ý chế độ ăn cho trẻ

– Cho trẻ ăn uống như bình thường, nhằm giúp trẻ có đủ dưỡng chất, tăng sức chống đỡ với bệnh tật. Nếu trẻ đang bú mẹ thì hãy tiếp tục cho bú theo nhu cầu và tăng số lần bú. Ngoài đảm bảo dinh dưỡng, điều này còn có tác dụng chống mất nước do tiêu chảy.

– Nên cho trẻ ăn sữa chua làm giảm thời gian và độ nặng của đợt tiêu chảy, do quá trình lên men đã chuyển phần lớn đường lactose (loại đường khó hấp thu) trong sữa bò sang một dạng dễ hấp thu hơn.
Ngoài ra, một số chủng vi khuẩn trong sữa chua có khả năng ức chế sự phát triển và gây bệnh của các vi sinh vật có hại trong đường tiêu hóa, tăng cường hoạt động của hệ thống miễn dịch.

– Thức ăn cho trẻ phải được nghiền nhỏ, nấu hơi loãng hơn thường ngày. Mỗi bữa ăn cần có đủ chất bột như gạo, khoai lang; thức ăn cung cấp chất đạm như thịt, cá, trứng; thức ăn cung cấp nhiều vitamin và muối khoáng như rau xanh và quả chín.

Trẻ khi bị tiêu chảy thường chán ăn. Các bậc cha mẹ cần cho trẻ ăn nhiều bữa hơn và kiên trì động viên, khuyến khích trẻ ăn.

Lưu ý: Cần cho trẻ đi bệnh viện nếu thấy các dấu hiệu sau: Tình trạng tiêu chảy của trẻ không được cải thiện, trẻ vật vã kích thích, mệt nhiều, bú kém, nôn nhiều, đi ngoài nhiều nước, sốt cao, tiểu ít, chi lạnh, mắt trũng, phân có máu…

Sưu tầm