Dạy con tự lập

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Khi trẻ được khoảng 1 tuổi rưỡi là lúc trẻ bắt đầu muốn tự mình làm mọi thứ. Khi trẻ được 3 tuổi, trẻ bắt đầu kiên quyết hơn khi nói với cha mẹ thông điệp “để con tự làm”. Khi này, bằng cách để cho trẻ được tự mình làm càng nhiều càng tốt, cha mẹ có thể nuôi dưỡng tinh thần “tự lập” ấy lớn lên khỏe mạnh. Dưới đây là một số phương pháp giúp xây dựng tính tự lập cho con.

1. Không đánh thức trẻ dậy vào buổi sáng

Đây là 1 trong những phương pháp dạy con tự lập của người Nhật. Ban đầu nếu trẻ không tự thức dậy thì cha mẹ hãy cố gắng nhẫn nại, vì sự nhẫn nại đó sẽ tạo ra kết quả thay đổi về sau. Dù không được đánh thức thì cuối cùng, trẻ cũng phải tự dậy theo nhịp sinh hoạt bình thường. Nếu cha mẹ không kiên nhẫn được mà đánh thức trẻ, trẻ sẽ không bao giờ sửa được thói quen ỷ lại vào người khác.

2. Trao cho con cơ hội được tự do trải nghiệm

– Khi con bắt đầu đi học, bạn nên cho con ở một phòng riêng, tạo cho con một không gian thoải mái để con không có cảm giác bị bố mẹ kiểm soát. Hãy để cho con tự mình trang trí phòng theo ý muốn của mình, hướng dẫn con dọn dẹp, sắp xếp phòng ngăn nắp, gọn gàng.

– Cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa: dã ngoại, thể dục, thể thao,…Khi tham gia các hoạt động cùng bạn bè, bé sẽ phải “tự thân vận động”, giúp bé tự lập hơn.

3. Tạo thói quen tự lập từ sớm

– Hãy bắt đầu từ những việc đơn giản, chẳng hạn, cho trẻ tự mặc quần áo. Dạy trẻ phân biệt mặt trước sau, trái phải, dạy trẻ mặc quần áo như thế nào. Có thể trẻ sẽ mất rất nhiều thời gian trong những lần đầu. Nhưng mẹ nên kiên nhẫn, khuyến khích hoặc khen ngợi trẻ thay vì làm giúp trẻ.

Tập cho trẻ trong các hoạt động hằng ngày của mình như tự gấp quần áo của mình hay chỉ đơn giản là đem cất ly nước mà trẻ vừa uống xong. Mẹ cũng có thể cho trẻ làm “chân chạy vặt” mỗi khi mẹ làm bếp, vừa tăng cơ hội gần gũi giữa mẹ và trẻ vừa giúp bé tự lập hơn.

– Bắt đầu từ những việc đơn giản và tăng dần mức độ khó lên khi trẻ đã quen dần. Khi trẻ đã quen với việc cất đồ chơi sau khi chơi, mẹ có thể khuyến khích con tự dọn dẹp phòng của mình hoặc giúp mẹ làm những công việc nhà đơn giản.

4. Phân công công việc cho từng thành viên


Trong gia đình nên phân công công việc cho từng thành viên để bé hiểu rằng mỗi người đều có trách nhiệm với công việc và hình thành thói quen làm việc từ sớm. Bạn có thể giao cho bé nhiệm vụ lau bàn ăn, lấy chén bát ăn cơm, sắp xếp kệ dép gọn gàng mỗi ngày, xách những túi nhỏ khi đi siêu thị,… và nhắc nhở bé làm thường xuyên để hình thành thói quen tốt. Khi bé đã quen việc rồi mỗi khi chuẩn bị dọn cơm dù đang chơi đùa hay làm việc gì bé cũng sẽ chạy tới phụ bố mẹ lau bàn ăn, lấy chén bát.

5. Không bao giờ chỉ trích

Theo các chuyên gia, việc giáo dục trẻ mầm non điều quan trọng là quá trình để trẻ khám phá, học cách làm và rút ra kinh nghiệm tự lập cho lần sau chứ không phải kết quả như thế nào. Mẹ không nên la mắng con khi bé chưa thể tự mình làm được những việc đó. Việc la mắng chỉ làm con mất tự tin với khả năng của mình. Hãy kiên trì và nhẹ nhàng hướng dẫn cho con cách làm. Chúng ta làm việc rất nhiều lần mới có thể thành thạo, nên khi trẻ bắt đầu làm dù có chậm hay sai sót thì cũng là chuyện rất bình thường. Do đó đừng bao giờ chê trách con cái, ngược lại hãy khích lệ để trẻ hào hứng và tự lập hơn.

6. Khen con đúng lúc

Mỗi chúng ta khi làm việc tốt ai cũng mong muốn nhận được lời khen. Và trẻ con cũng vậy. Việc khen ngợi cần được xem như hành động công nhận trẻ đã hoàn thành công việc, cho dù chúng chỉ hoàn thành ở mức sơ sài nhất, đơn giản nhất. Hãy đưa ra những lời nhận xét tích cực sau mỗi việc mà trẻ đã làm, hạn chế việc dùng những từ khen ngợi quá mức cho một hành động đơn giản sẽ làm phản tác dụng, thay vào đó là những lời động viên tích cực.

Hãy khoe các thành tích của bé với mọi người, khen ngợi khi con bắt đầu làm tốt và tỏ ra tự hào khi bé sắp thành người lớn để chúng có động lực cố gắng hơn.

Sưu tầm