Ảnh hưởng của kháng sinh và một số thuốc khác đến đường tiêu hóa của trẻ

AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids
AlbaVit Kids

Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nớt và chưa phát triển đầy đủ như người lớn nên việc sử dụng thuốc cho trẻ càng phải được chú trọng và cẩn thận hơn. Hầu hết các thuốc khi đi vào cơ thể của trẻ bằng đường uống, được chuyển hóa bởi gan và thận nên ít nhiều đường tiêu hóa của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sơ lược về ảnh hưởng của một số thuốc thông dụng tới đường tiêu hóa của trẻ.

Thuốc kháng sinh

 

Kháng sinh có lẽ là loại thuốc thông dụng mà trẻ em rất hay phải sử dụng. Bất kì trẻ nào khi có triệu chứng sốt, viêm thì ba mẹ nào cũng nghĩ ngay tới việc dùng kháng sinh. Một điểm quan trọng ba mẹ nên nhớ là: Chỉ sử dụng kháng sinh điều trị cho con khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn là đúng và cần thiết, tuy nhiên lạm dụng nó hoặc không tuân thủ hướng dẫn sử dụng sẽ gây nhiều hậu quả nguy hiểm tới trẻ. Khi cho bé uống kháng sinh, bé có thể gặp một số rắc rối ở đường tiêu hóa, mà người ta hay gọi là tác dụng phụ của kháng sinh. Đó là buôn nôn, có thể nôn, tiêu chảy, chán ăn,… Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra các nguyên nhân cho những hiện tượng này, đó là:

Kháng sinh có thể kích thích trực tiếp lên niêm mạc ruột của trẻ, làm gia tăng tiết chất nhầy và phát sinh ra các màng giả. Các màng giả này sẽ cản trở việc tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng gây ra tình trạng rối loạn tiêu hóa và chán ăn của trẻ.

Kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn phổ rộng, tức là loại tiêu diệt được rất nhiều vi khuẩn, khi cho trẻ sử dụng có thể làm đảo lộn hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ. Kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn diệt luôn cả vi khuẩn thường trú cần thiết của môi trường ruột già gây ra tình trạng loạn khuẩn. Hệ vi khuẩn đường ruột đóng vai trò rất quan trọng trong tiêu hóa của trẻ, giúp trẻ hấp thu một số chất, có vai trò quan trong trong sự tạo phân. Khi hệ vi khuẩn bị rối loạn, chức năng tiêu hóa của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng, quá trình tạo phân không như bình thường dẫn tới tình trạng tiêu chảy .

Kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có lợi ở ruột dẫn tới tình trạng loạn khuẩn làm thay đổi môi trường đường ruột, đặc biệt đại tràng, tạo điều kiện thuận lợi cho một số vi khuẩn kháng thuốc phát triển như Clostridium difficile hoặc nấm Candida albicans  gây nguy hiểm cho đường tiêu hóa của trẻ ví dụ như bệnh đại tràng màng giả.

Sử dụng kháng sinh không đúng cách, không tuân thủ liều dùng và thời gian sử dụng sẽ dễ gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc, dẫn tới khi trẻ bị các vi khuẩn kháng thuốc tấn công, sẽ khó chọn được loại kháng sinh phù hợp để điều trị cho trẻ. Vì vậy khi sử dụng kháng sinh các bậc cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định và quan tâm tới các tác dụng phụ của kháng sinh gây ra.

Một số nhóm kháng sinh gây hại trên đường tiêu hóa của trẻ như:

Nhóm beta lactam ví dụ như ampicillin, amoxicclin thường gây tiêu chảy. Có tới 50% trẻ được ghi nhận gặp phải hiện tượng này nên các nhà khoa học đã khuyến cáo không nên sử dụng loại kháng sinh này bằng đường uống.

Thuốc cephalosporin có đặc điểm bài tiết mạnh qua đường mật; đặc biệt là loại moxalactam, ceftriaxon, cefoperazon… cũng gây khoảng 25% các trường hợp bị tiêu chảy. Trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, nên dùng vancomycin để điều trị.

Thuốc cầm tiêu chảy

Đa số các thuốc cầm tiêu chảy hiện nay có cơ chế là giảm nhu động ruột để giảm tiêu chảy. Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ có các cơ còn yếu, việc sử dụng các thuốc này sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ trơn đường ruột ở trẻ, nhiều trường hợp có thể gây liệt ruột. Hơn nữa, việc dùng thuốc cầm tiêu chảy không đúng cách có thể gây tình trạng viêm nhiễm nặng hơn do giữ lại các vi khuẩn có độc, và các độc tố trong cơ thể.  Do vậy khi sử dụng các thuốc cầm tiêu chảy, ba mẹ cần đặc biệt chú ý vấn đề này.

Thuốc nhuận tràng

Một số ba mẹ chọn sử dụng thuốc nhuận tràng để giải quyết tình trạng táo bón cho con. Tuy nhiên, khi sử dụng quá liều hoặc dài ngày có thể gây ra tình trạng tiêu chảy và rối loạn tiêu hóa cho bé. Khi ngừng thuốc nhuận tràng, tình trạng táo bón của trẻ có thể lại lặp lại và không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Vì vậy, trước khi quyết định sử dụng thuốc nhuận tràng cho con, bạn hãy tham khảo thật kĩ ý kiến của bác sĩ và tìm nguyên nhân gây tình trạng táo bón của con.

Thuốc giảm đau hạ sốt

Các thuốc giảm đau hạ sốt NSAID như ibupropen- rất hay được sử dụng trong trường hợp bé bị sốt do cảm cúm, đi tiêm phòng, sốt virut vì tác dụng hạ sốt kéo dài. Tuy nhiên khi dùng liều cao và lạm dụng thuốc, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dạ dày của trẻ như loét dạ dày. Đây là tác dụng phụ hay gặp nhất  khi sử dụng loại thuốc này.

Paracetamon là lựa chọn hàng đầu trong điều trị sốt cho trẻ, và thường được dùng nhất. Tuy nhiên ở trẻ, chức năng gan  còn kém, chưa hoàn thiện, nên gan có thể bị tổn thưởng khi sử dụng loại thuốc này liều cao. Do thuốc chuyển hóa qua gan và trở thành 1 chất gây độc cho gan.

Thuốc là con dao hai lưỡi, có thể giúp trẻ điều trị khỏi vấn đề đang mắc, nhưng cũng dễ dàng làm tổn thương hệ tiêu hóa của trẻ. Vì vậy, trước khi sử dụng thuốc, cha mẹ nên tìm hiểu kĩ thông tin và tác dụng phụ của nó, tham khảo tư vấn của bác sĩ và dược sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất và ít tác dụng phụ nhất.

Sưu tầm